Trong lịch sử chính trị hiện đại, ít có nhân vật nào vừa được xem là người khai sinh nước Nga hiện đại, vừa bị nhìn như biểu tượng của xu hướng chuyên chế kéo dài đến thế kỷ 20. Peter Đại đế không dễ được đánh giá bằng những nhãn mác đạo đức thông thường. Ông để lại sau lưng mình một nước Nga “hiện đại” theo chuẩn mực châu Âu, nhưng cái hiện đại ấy được dựng lên bằng cưỡng bức, chiến tranh, và sự cô lập nội tâm của chính nhà cải cách.
Robert K. Massie – tác giả người Mỹ của nhiều cuốn sách lịch sử nước Nga không dựng Peter như một huyền thoại, cũng không phê phán ông theo kiểu hậu hiện đại. Là một nhà sử học được đào tạo bài bản, từng giành giải Pulitzer, Massie tiếp cận nhân vật với một trực cảm rất Mỹ: không vội vàng đưa ra kết luận, mà để cho hồ sơ, thư từ, nhân chứng và bối cảnh tự dẫn dắt câu chuyện. Peter the Great: His Life and World là một cuốn sách vừa sử dụng kỹ thuật kể chuyện của tiểu thuyết, vừa giữ được độ dày tư liệu của một công trình nghiên cứu nghiêm túc (với hơn 900 trang trong bản tiếng Anh). Không chỉ dựng lại đời một vị Sa hoàng, Massie phục dựng cả một thế giới Nga trước cải cách – đầy hoang mang, trì trệ, nhưng không thiếu những động lực âm ỉ chờ phát nổ. Từ những cuộc nổi loạn của quân Streltsy đến chuyến đi thăm Hà Lan, Anh và Áo, từ công cuộc xây dựng St. Petersburg cho đến cái chết bi kịch của hoàng tử Alexei, câu chuyện về Peter cũng là một câu chuyện về giới hạn của quyền lực và khả năng cưỡng ép lịch sử đi theo một hướng đã định.
Nói thêm, cuốn sách này hiện có hai bản dịch ra tiếng Việt: Một có tên Pyott Đại đế của dịch giả Diệp Minh Tâm do Nhà xuất bản Tri thức phát hành cách đây khoảng 10 năm; và hai là Peter Đại đế do Tôn Quang Toàn dịch, Bách Việt vừa mới xuất bản tháng 6 năm 2025. Để thống nhất, xin gọi nhân vật chính của chúng ta theo bản dịch tiếng Anh là Peter Đại đế (trong khi người Nga hẳn sẽ gọi là Pyott và người Pháp là Pierre).
1. Trật tự cũ: Nước Nga trước Peter và một nhân cách đang hình thành
Khi Peter ra đời năm 1672, nước Nga vẫn là một xã hội nông dân, gần như biệt lập với những chuyển động trí tuệ và khoa học đã khuấy đảo Tây Âu suốt một thế kỷ trước đó. Moscow là một thành phố của thánh tích và sợ hãi – nơi những nghi lễ Chính thống giáo chi phối không chỉ đời sống tinh thần mà cả cơ cấu quyền lực. Giai cấp quý tộc boyar vẫn mặc áo dài, để râu rậm, cưỡi ngựa và giữ những đặc quyền được trao từ thời Ivan Bạo chúa. Trong cấu trúc ấy, nhà nước là hiện thân của thần quyền, và sự thay đổi gần như đồng nghĩa với dị giáo.
Peter không sinh ra như một người chờ đợi làm vua. Ông là con thứ của Sa hoàng và chỉ lên ngôi sau hàng loạt biến cố cung đình. Những năm đầu đời của ông là một chuỗi những đảo chính ngầm, xung đột nội tộc, và các vụ thanh trừng đẫm máu trong cung đình. Peter lớn lên giữa pháo đài và thao trường, không phải trong thư viện hay triều đình. Ngay từ sớm, ông đã bộc lộ một tính khí khác thường: háo hức quan sát, đam mê cơ khí, bốc đồng, thường xuyên hoài nghi các lễ nghi tôn giáo và truyền thống quý tộc.
Massie đặc biệt thành công trong việc làm nổi bật hai lớp thời gian luôn va chạm trong tâm thế Peter: một mặt, ông là sản phẩm của nền quân chủ chuyên chế Nga với tất cả những định kiến và ám ảnh quyền lực của nó; mặt khác, ông bị thôi thúc mạnh mẽ bởi những gì “khác” – kỹ nghệ phương Tây, tàu bè, bản đồ, đồng hồ, hệ thống quân sự bài bản và những điều mà nước Nga thời ấy xem là ngoại lai, thậm chí nguy hiểm.
Tính cách Peter, vì thế, không phải là sự đoạn tuyệt với truyền thống mà là kết quả của một mâu thuẫn nội tại: ông vừa là người con của nước Nga cổ, vừa là kẻ dị ứng với cái cổ ấy. Nỗi căng thẳng ấy sẽ chi phối toàn bộ những cải cách sau này – vừa bạo liệt, vừa sâu rộng, nhưng luôn mang dấu vết của một người chưa từng được chuẩn bị về mặt học thuật cho sứ mệnh mình đang làm: Lý do đơn giản là quý tộc và hoàng gia Nga thời ông không coi trọng học thức cho lắm, và hơn nữa, ông không phải là con đầu để được chọn kế nghiệp.
Ở đây, Massie không phân tích tâm lý theo lối hiện đại, cũng không vẽ chân dung Peter như một nhân vật định mệnh. Ông để những chi tiết nhỏ làm công việc của mình: Peter tự tay chế tạo khẩu pháo; ông cưỡi thuyền xuôi dòng Yauza giữa đêm; ông lẩn tránh các nghi lễ chính thống trong khi vẫn giữ vị trí đứng đầu giáo hội Nga. Cuộc sống của ông là một chuỗi thử nghiệm – với nước Nga, và với chính bản thân ông.
Điều làm nên sức hút của cuốn sách không chỉ là khối lượng tư liệu đồ sộ, mà là cách Massie khiến độc giả nhận ra một điều giản dị: không có cải cách nào là trung lập. Và không có nhà cải cách nào hoàn toàn thoát khỏi di sản của chính nền văn hóa mà mình muốn vượt qua.
2. Cải cách “Tây hóa” cưỡng bức: Cái giá của hiện đại
(Chiếc tàu chở Peter sang phương Tây học tập. Peter đang đứng ở chiếc thuyền nhỏ bên phải tàu)
Năm 1697, ở tuổi 25, Peter rời nước Nga trong một hành trình chưa từng có tiền lệ: một vị quân vương, cải trang thành thợ học việc, đi qua các đô thị của Hà Lan, Anh và Áo để quan sát tận mắt cách người phương Tây vận hành xã hội. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là xưởng đóng tàu ở Zaandam, nơi Peter, với vóc dáng cao lớn và thô ráp, học cách đóng tàu như một người thợ thực thụ – không phải vì ông muốn trở thành thợ thủ công, mà vì ông tin rằng để đưa nước Nga hội nhập vào châu Âu, cần phải bắt đầu từ cơ giới, từ các chiến hạm và thương thuyền.
Trong các thư tịch phương Tây, Peter hiện lên như một hiện tượng. Các đại sứ và kỹ sư châu Âu không biết nên gọi ông là Sa hoàng, thợ học việc hay nhà cải cách. Còn với Massie, chuyến đi ấy chính là bước chuyển tâm lý từ một hoàng tử học việc sang một nhà kỹ trị quyền lực. Peter quan sát không chỉ kỹ thuật mà cả cơ chế vận hành xã hội: ông ghi chép về tổ chức quân đội, ngân sách, thành phố cảng, và cả những trò tiêu khiển văn hóa. Khi trở về, ông mang theo rất nhiều sách vở về công nghệ và lịch sử. Nhưng nhiều hơn là tri thức, ông mang về một dự phóng đầy tham vọng về nước Nga hiện đại hóa – và một danh sách các cải cách có thể khiến bất kỳ tầng lớp bảo thủ nào rúng động.
Peter ban hành hàng loạt sắc lệnh: từ việc buộc quý tộc phải cắt râu và thay trang phục phương Tây, đến việc thay đổi hệ thống lịch, cải cách thuế, tổ chức lại quân đội, và đặc biệt là xây dựng một thành phố mới – St. Petersburg – trên một vùng đầm lầy ở cửa vịnh Phần Lan. Thành phố này, như Massie mô tả, không chỉ là biểu tượng của tham vọng quốc gia, mà còn là một tuyên ngôn văn minh đầy cưỡng bức: một thủ đô mới “quay mặt về châu Âu” – cả về địa lý lẫn biểu tượng.
Ở đây, cuốn sách tránh được cái bẫy lãng mạn hóa cải cách. Peter không phải là Voltaire, càng không phải một tín đồ của tự do. Ông không tin vào tiến bộ như một tiến trình tiệm tiến, mà như một quá trình cưỡng ép: ai chống lại, sẽ bị ép buộc; ai không hiểu, sẽ phải phục tùng. Hàng nghìn lao động bị cưỡng bức xây St. Petersburg trong giá rét, hàng trăm sĩ quan bị hành quyết vì chống lại quân đội kiểu mới, và thậm chí, người thừa kế của chính ông – hoàng tử Alexei – cũng không thoát được hình phạt khi bày tỏ sự bất mãn với đường lối cải cách của cha.
Massie không biện hộ cho Peter và cũng không kết án. Ông buộc người đọc đối diện với một câu hỏi nhức nhối: liệu có thể hiện đại hóa một xã hội mà không phá vỡ cấu trúc cũ bằng bạo lực? Và nếu không có Peter – với tất cả sự tàn nhẫn của ông – thì nước Nga liệu có thoát khỏi quỹ đạo phong kiến trì trệ với những vị quân vương gần như các vương hầu Mông Cổ, đúng vào thời điểm mà Tây Âu đang bước vào thời kỳ công thương không?
Câu hỏi ấy không chỉ là của nước Nga thế kỷ 18. Nó vẫn còn nguyên giá trị cho bất kỳ quốc gia nào đang đứng giữa ngã ba của truyền thống và phát triển, giữa cải cách thể chế và kháng lực văn hóa. Soi chiếu sang thế kỷ 20, có lẽ chúng ta sẽ bắt gặp những hình tượng như vậy ở Atatürk nước Thổ Nhĩ Kỳ hay Pak Chung Hee ở Hàn Quốc.
3. Chiến tranh và công cuộc thiết lập vị thế đế chế
Không thể hiểu Peter Đại đế nếu bỏ qua các cuộc chiến tranh mà ông phát động và theo đuổi trong suốt triều đại của mình. Với Peter, cải cách không tách rời khỏi quân sự; hiện đại hóa không tách rời khỏi sức mạnh quốc gia được khẳng định qua chiến thắng trên chiến trường. Trong cách nghĩ của ông – và của thời đại – một quốc gia hiện đại là quốc gia có hạm đội, pháo đài, và khả năng chiến thắng những đối thủ đã được công nhận như cường quốc.
Cuộc chiến định hình nhất là Đại chiến Bắc Âu (1700–1721), nơi Nga đối đầu với Thụy Điển – cường quốc quân sự hàng đầu vùng Baltic lúc bấy giờ dù nước này có dân số nhỏ bé hơn Nga gấp hơn 10 lần, dưới sự lãnh đạo của vua Charles XII. Lúc mở màn chiến sự, Thụy Điển là một nhà nước tinh luyện về mặt quân sự: một đội quân chuyên nghiệp, kỷ luật, và thường xuyên chiến thắng trên chiến trường châu Âu, với lãnh thổ không chỉ bao gồm nước Thụy Điển ngày nay mà cả Phần Lan, các nước Baltic và một phần nước Đức. Nga, ngược lại, dù dân số đông hơn chục lần nhưng lại là một quốc gia đang trong quá trình xây dựng quân đội kiểu mới – với sự chắp vá, thử nghiệm, và không ít thất bại ban đầu.
Bắc Âu trong Đại chiến phương Bắc mà ba đối thủ chính là Nga (liên minh với Ba Lan) và Thụy Điển. Ngoài ra còn có Đan Mạch, các tiểu quốc Đức như Saxony, Phổ, Hanover…
Thất bại đầu tiên của Peter ở Narva năm 1700 là một cú sốc – không chỉ về mặt quân sự mà còn là một cú tát vào dự án cải cách. Charles XII (hay Karl XII trong bản dịch của Diệp Minh Tâm) – mới mười tám tuổi– đập tan đội quân Nga đông hơn gấp ba lần, trong một chiến thắng mà các nhà quan sát châu Âu xem như chứng thực cho ưu thế tuyệt đối của kỷ luật và tinh thần của phương Tây.
Nhưng Peter không nản. Ông rút lui, tái cơ cấu, xây dựng hệ thống tiếp tế, bổ nhiệm lại các chỉ huy, và đặc biệt là tập trung vào các ngành công nghiệp quân sự nội địa – từ súng, pháo đến tàu chiến. Đây chính là giai đoạn mà Massie cho thấy tính bền bỉ chiến lược của Peter: ông không theo đuổi chiến thắng nhanh, mà chấp nhận xây dựng một nền tảng dài hạn. Và cho dù Charles XII có lẽ là một trong những vị tướng tài giỏi nhất trong lịch sử quân sự châu Âu từ xưa tới nay, ông lại không có được tầm nhìn chiến lược và khả năng bền bỉ như đối thủ Nga hơn ông 10 tuổi. Và tất nhiên, ưu thế về dân số và diện tích mênh mông của nước Nga cũng có nghĩa là chiến tranh càng kéo dài, Charles càng ở thế bất lợi. Cho dù Charles cứ hễ đánh là thắng nhưng quân số, nguồn lực và tinh thần của binh sĩ Thụy Điển cứ dần dần bị tiêu hao trong gần 10 năm chiến chinh trên các chiến trường Nga và Ba Lan.
Thắng lợi bước ngoặt là trận Poltava năm 1709, nơi quân đội 80 ngàn người của Peter đánh bại quân đội 30 ngàn người của Charles một cách quyết định. Chiến thắng này không chỉ đảo ngược cán cân lực lượng vùng Baltic mà còn đưa Nga chính thức bước vào hàng ngũ các cường quốc châu Âu. Massie tường thuật trận đánh với chi tiết vừa phải, nhưng đủ để thấy sự khác biệt giữa Peter và các vua chúa cùng thời: ông có thể tàn nhẫn, nhưng cũng biết học từ thất bại – và ông chiến đấu không chỉ để bảo vệ lãnh thổ, mà để khẳng định một vị thế địa chính trị hoàn toàn mới.
(The Battle of Poltava by Pierre-Denis Martin)
Cùng với các chiến dịch ở vùng Biển Đen, Crimea và chống lại Đế chế Ottoman, Peter sử dụng chiến tranh như một phương tiện để mở ra cửa ngõ cho Nga với thế giới: cảng biển, tuyến thương mại, liên minh chính trị. Ông không phải là một nhà đế quốc theo kiểu mở rộng biên giới để vinh danh triều đại. Mục tiêu của ông mang tính cấu trúc: mở đường ra biển nghĩa là mở đường cho buôn bán, cho công nghiệp, và cho vị thế trong hệ thống quyền lực châu Âu.
Tuy nhiên, Massie cũng không giấu sự thật rằng các cuộc chiến này tiêu tốn khủng khiếp – cả về người và của. Dân thường bị trưng binh, nông nghiệp đình trệ, tài chính cạn kiệt. Có những đoạn mà chiến tranh của Peter không khác gì các chiến dịch đốt lửa suốt thập kỷ để theo đuổi một trật tự mới chưa ai chắc sẽ thành hình. Nhưng cuối cùng, như Massie cho thấy, Peter thắng không chỉ vì ông đã học được cách đúc những khẩu pháo, chiến thuyến và rèn luyện quân lính trong chiến trận – mà vì ông có một khái niệm về thời gian dài hạn mà không phải quốc vương nào cũng sở hữu. Các chiến thắng quân sự của ông, xét đến cùng, không chỉ định vị nước Nga – mà còn làm nền cho toàn bộ chương sau của lịch sử đế chế Romanov.
4. Quyền lực và cô độc: Bi kịch của một vị vua cải cách
Vào cuối đời, Peter không chỉ là người đứng đầu một đế chế được tái cấu trúc theo mô hình châu Âu, mà còn là một con người bị cô lập giữa chính những gì mình tạo ra. Ông đã thay đổi gần như toàn bộ thiết chế chính trị và quân sự của nước Nga, nhưng cái giá là một xã hội bị xé đôi giữa sự hiện đại hóa bề mặt và những phản kháng âm thầm từ tầng sâu văn hóa. Giữa đỉnh cao quyền lực, Peter không còn ai để đối thoại – cả trong chính trường lẫn trong gia đình.
Massie dành một phần lớn của chương cuối cho vụ án hoàng tử Alexei – người con trai duy nhất còn sống sót và là người thừa kế hợp pháp của Peter. Trong một nước Nga bị kéo căng giữa hai cực – cải cách và bảo thủ – Alexei lại thuộc về phía thứ hai. Anh từ chối quân đội kiểu mới, bất mãn với triều đình, và – có lẽ quan trọng nhất – không muốn tiếp bước cha mình như một “người kỹ trị cầm quyền”. Anh muốn một nước Nga cũ, hoặc ít nhất là một nước Nga không bị ép buộc thay đổi.
Peter không thể chấp nhận điều đó. Trong cách ông nhìn thế giới, sự bất đồng trong nội bộ không phải là một lựa chọn chính trị, mà là một nguy cơ tồn vong. Ông buộc Alexei phải chọn: hoặc từ bỏ quyền thừa kế, hoặc trung thành với dự án cải cách. Khi Alexei bỏ trốn sang Vienna, và sau đó bị dụ trở về bằng hứa hẹn khoan hồng, Peter không chỉ cảm thấy bị phản bội, mà còn coi đó là sự đe dọa cho toàn bộ cấu trúc quyền lực mà ông đã dựng nên bằng máu.
Dưới áp lực của chính Peter, Alexei bị tra khảo, xét xử, và cuối cùng chết trong tù – có khả năng do vết thương khi bị đánh roi tra tấn, hoặc theo lệnh hành quyết ngầm. Đó là một trong những khoảnh khắc trần trụi nhất của lịch sử Nga hiện đại sơ kỳ – khi quyền lực giết chết sự nối tiếp huyết thống, và cải cách trở thành lý do cho một án tử trong gia đình. Ở điểm này, chúng ta dường như gặp lại câu chuyện về một Ivan Hung Bạo đánh chết con. Hay xa hơn, nếu soi sang lịch sử Trung Quốc sẽ là những câu chuyện về Hán Vũ đế hay Đường Thái Tông sát hại thái tử. Nước Nga, dù sao nữa, kể từ thời Ivan IV, là một quốc gia chuyên quyền nơi Sa hoàng có quyền tối cao, hầu như không chia sẻ (khác với các nước Tây Âu cùng thời nơi quyền lực của vua chúa được chia sẻ với Nghị viện, Quốc hội hay giới quý tộc).
Ở một tầng khác, đây cũng là bi kịch của bất kỳ dự án hiện đại hóa nào không đi kèm với dân chủ hóa. Khi cải cách đến từ một cá nhân thay vì một thiết chế, thì mỗi sự phản kháng – dù là im lặng – đều bị xem như một mối đe dọa cá nhân. Quyền lực càng tuyệt đối, thì sự cô đơn càng tuyệt đối.
Peter chết năm 1725, không để lại một người kế vị rõ ràng, không một bản tổng kết cho cải cách mình khởi xướng. Nhưng sự vắng mặt ấy không làm giảm ảnh hưởng của ông. Nó chỉ cho thấy một điều: ông đã đẩy nước Nga vào một quỹ đạo mà sau này các Sa hoàng, rồi Stalin, và cả những người kế nhiệm trong thế kỷ 21, vẫn chưa thể thoát ra – quỹ đạo của quyền lực tập trung, của hiện đại hóa từ trên xuống, và của sự im lặng lấp đầy những xung đột chưa bao giờ được giải quyết công khai.
5. Những người cùng thời
Lịch sử không bao giờ là sân khấu của một người. Dù Peter là trung tâm của công trình nghiên cứu này, Robert K. Massie vẫn dành sự chú ý đáng kể cho những nhân vật phụ – những người định hình và phản chiếu phần sâu nhất trong đời sống chính trị và tâm lý của ông. Từ các kẻ đối đầu như Charles XII, các cận thần thân tín như Menshikov, cho đến bi kịch của Thái tử Alexei, cuốn sách vẽ nên một bức tranh quyền lực không đơn sắc.
Charles XII: Kẻ đối đầu đến cùng
(Vua Charles XII của Thụy Điển)
Trong phần viết về Đại chiến Bắc Âu, Massie mô tả Charles XII của Thụy Điển không như một đối thủ mờ nhạt, mà như một hình ảnh đối xứng với Peter. Trẻ tuổi, táo bạo, đầy thiên hướng quân sự, Charles là hiện thân của một mẫu lãnh đạo cổ điển: cầm quân trực tiếp, không ngại hiểm nguy khi thường xuyên xông pha chiến trận trên tuyến đầu, và có sức thu hút gần như có tính tôn giáo đối với quân lính của mình. Chuyện đó cũng dễ hiểu thôi khi ông thường cầm quân chống lại các đối thủ đông gấp chục lần mình và thường xuyên chiến thắng họ, dù đó là quân Nga, quân Ba Lan, quân Đan Mạch hay quân Saxon. Là vua Thụy Điển, nhưng Charles bôn ba cầm quân ở nước ngoài suốt 15 năm trời trong cuộc Đại chiến Phương Bắc, cố gắng tạo ra một nền hòa bình trong đó Thụy Điển sẽ là đế quốc thống trị không chỉ Bắc Âu mà cả Đông Âu, biển Baltic và biển Bắc. Bản thân điều này cũng cho thấy sự khác biệt giữa thể chế của hai quốc gia: Charles vắng mặt trong 15 năm nhưng quốc gia của ông, dưới sự điều hành của Quốc hội và các bộ trưởng, vẫn hoạt động tốt, cung cấp đều đặn lương thực và binh sĩ cho ông, dù dần rơi vào cảnh kiệt quệ. Trong khi đó, hầu hết những quyết định quan trọng của nước Nga đều phụ thuộc và Peter và cả nhà nước gần như tê liệt mỗi khi vắng mặt ông.
Nếu Peter là nhà kiến tạo quốc gia – người nhìn chiến tranh như một phần trong chương trình hiện đại hóa, thì Charles là một chiến thần theo đúng nghĩa. Động lực của ông không nằm ở cải cách, mà ở niềm tin gần như tuyệt đối vào vinh quang quân sự. Điều này khiến ông chiến đấu một cách không khoan nhượng, ngay cả khi tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về phía Nga. Trận Poltava là điểm đứt gãy không chỉ về chiến thuật, mà về triết lý cai trị: Peter thắng vì ông có khả năng xây dựng và điều chỉnh thể chế; Charles thua vì ông quá tin vào tài năng của bản thân và trên hết, vào sứ mệnh “chiến thắng” của ông. Tất nhiên, ở đây cũng có một phần là do cả may mắn vì Charles bị thương nặng trước trận chiến nên không thể chỉ đạo trận chiến này.
Massie viết về Charles không như một kẻ bại trận, mà như một nhân vật bi kịch – một vị vua bị định hình bởi lý tưởng thời đại, nhưng không kịp thích nghi với hiện thực địa chính trị đang thay đổi, một người có niềm tin sắt đá vào chiến thắng nhưng lại thiếu sự uyển chuyển để chấp nhận rằng để chiến thắng, đôi khi bạn phải chấp nhận thua.
Điều thú vị là thất bại của Charles trong chiến dịch này hầu như sau này sẽ được lặp lại bởi một vị tướng, một vị vua còn giỏi hơn ông, Napoleon Đại đế một thế kỷ sau đó. Và cả cái chết trên chiến trận do đạn bắn của quân Na Uy của ông khi đội quân đã rệu rã của ông tấn công một tòa thành nhỏ cho thấy dường như ông đã sống lạc thời. Đây không còn là thời của những chiến thần bách thắng như Alexander Đại đế hay Caesar thuở nào.
Alexander Menshikov: Từ bếp lò đến chính trường
Menshikov, người cận thần trung thành nhất của Peter, là một nhân vật thú vị khác. Xuất thân hèn mọn, từng bán bánh nướng ở Moscow, ông bước vào đời sống chính trị nhờ tài năng, lòng trung thành và một năng lực hiếm thấy trong việc học hỏi những gì Peter cần. Menshikov không phải là nhà tư tưởng, nhưng ông là người thực hành hoàn hảo cho dự án cải cách: tổ chức quân đội, xây dựng hạm đội, quản lý tài chính, điều hành thành phố mới. Thế nhưng, do xuất thân hèn mọn, Menshikov luôn tham nhũng, sống xa hoa, trái ngược hẳn với cuộc sống giản dị, có phần khắc khổ của người chủ.
Sự nghiệp của ông gắn liền với Peter – thậm chí đến mức một số chính sách được thực thi như thể chúng là phản xạ giữa hai người, không cần thông qua thiết chế. Massie chỉ ra sự mập mờ này như một nghịch lý: một nước Nga hiện đại đang được xây dựng, nhưng thông qua những hình thức quyền lực cá nhân kiểu cũ – thân tín, ân sủng, lòng trung thành cá nhân.
Sau khi Peter mất, Menshikov nắm được vị thế tạm thời, nhưng rồi nhanh chóng bị đẩy ra rìa bởi các lực lượng quý tộc cũ, để rồi chết trong nghèo khổ ở chốn lưu đày.
Alexei: Một bi kịch được báo trước
(Peter the Great Interrogating the Tsarevich Alexei Petrovich at Peterhof by Nikolai Ge)
Thái tử Alexei là một hình ảnh ngược của Peter – không chỉ về chính trị, mà về kiểu mẫu nhân cách. Trong khi Peter sẵn sàng hủy bỏ truyền thống để xây dựng cái mới, thì Alexei bị hấp dẫn bởi một nước Nga cũ – lặng lẽ, thiêng liêng, ít nhiễu động. Alexei không thích chiến tranh, đóng tàu hay xây dựng. Anh ưa cuộc sống bình lặng và ngoan đạo.
Điều đáng chú ý là Alexei không âm mưu đảo chính, không có chương trình phục quốc. Điều khiến anh trở thành mối đe dọa chính là thái độ bất hợp tác – một kiểu im lặng chính trị, mà trong mắt Peter, là dấu hiệu của phản bội. Cái chết của Alexei, như Massie nhấn mạnh, không phải là một khoảnh khắc bột phát, mà là điểm cuối của một chuỗi đối thoại thất bại giữa hai thế hệ, hai cách hình dung quốc gia. Peter ban đầu cố gắng hướng người kế vị vào tiếp nối con đường của mình. Nhưng khi thất bại, ông chọn cách hy sinh đứa con trai duy nhất còn sống tới tuổi trưởng thành đó, vì sợ rằng nếu ông chết, tất cả các di sản mà ông tạo ra trong thay đổi nước Nga sẽ bị đảo ngược.
6. Di sản Peter và cái bóng của hiện đại
Peter Đại đế chết năm 1725, sau gần bốn thập kỷ cầm quyền. Khi ông qua đời, nước Nga đã thay đổi đến mức những người sinh cùng thời ông chắc không thể nào nhận ra: từ đồng phục quân đội đến cách tổ chức nhà nước, từ hệ thống hành chính với các quan chức được tuyển dụng từ giới quý tộc cũng như bình dân cho tới việc tước bỏ quyền lực thế tục của Chính thống giáo, khiến tôn giáo phụ thuộc vào vương quyền, thành lập Saint Peterburg- thành phố được mệnh danh là Venice của miền Bắc châu Âu…
Tuy nhiên, như Massie cho thấy, sự thay đổi ấy vừa thực chất vừa nửa vời. Một mặt, Peter đã đưa Nga ra khỏi trạng thái biệt lập trung cổ: xây dựng một hạm đội biển Baltic, mở cửa giao thương với châu Âu, thiết lập các trường học kỹ thuật, đưa khoa học – dù ban đầu chỉ là hình thức – vào cơ cấu nhà nước. Ông cũng thay đổi hệ thống thứ bậc quý tộc bằng một bảng cấp bậc, mở đường cho tầng lớp mới lên nhờ năng lực quân sự hoặc hành chính thay vì huyết thống.
Nhưng mặt khác, tiến trình hiện đại hóa mà ông dẫn dắt không đi kèm với dân chủ hóa hay pháp quyền thực sự. Những thể chế mới vẫn xoay quanh cá nhân ông – một người kiểm soát cả hành pháp, quân đội, và cả Giáo hội Chính thống (sau khi xóa bỏ ngôi vị Thượng phụ). Chính quyền trung ương được củng cố mạnh mẽ, nhưng qua các quan lại bổ nhiệm từ trên xuống, không phải qua cơ chế đại diện. Nói cách khác, Peter đã tái cấu trúc nhà nước Nga như một bộ máy hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần tuyệt đối hóa quyền lực trung ương.
St. Petersburg, thành phố mà Peter dựng lên từ vùng đầm lầy phía Bắc, là biểu tượng hoàn hảo cho di sản ấy: một thành phố nhìn ra châu Âu, được thiết kế như một tuyên bố hiện đại, nhưng được xây bằng lao động cưỡng bức và di dân cưỡng bức. Nó là hiện thân của tham vọng quốc gia hóa hiện đại – không qua tiến trình tự thân của xã hội dân sự, mà thông qua ý chí của nhà nước.
Một trong những nghịch lý lớn nhất trong di sản của Peter Đại đế là việc ông, trong khi nỗ lực hiện đại hóa nhà nước và quân đội Nga theo mô hình phương Tây, lại đồng thời siết chặt chế độ nông nô đến mức cực đoan, buộc hàng triệu nông dân Nga gắn chặt vĩnh viễn với đất đai và địa chủ như một dạng nô lệ được luật hóa. Thay vì phá vỡ cấu trúc phong kiến để xây dựng một trật tự pháp quyền mới, Peter lựa chọn củng cố liên minh với giới quý tộc địa phương, trao cho họ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với nông nô để đổi lấy lòng trung thành và nguồn thuế – quân dịch phục vụ cho các cuộc cải cách và chiến tranh của nhà nước. Fukuyama gọi đây là một dạng hiện đại hóa chuyên chế không đi kèm pháp quyền, nơi quyền lực nhà nước được tăng cường nhưng xã hội lại bị đàn áp sâu hơn, khiến nền tảng cho cải cách dân chủ về sau trở nên đặc biệt mong manh. Di sản đó tạo nên một cấu trúc thể chế bóp nghẹt xã hội dân sự và kìm hãm sự phát triển của tầng lớp trung lưu, khiến nước Nga – dù có các Sa hoàng cải cách như Alexander II hay các tư tưởng cải cách rải rác trong giới trí thức – vẫn không thể tiến hành cải cách bền vững, và thường rơi vào chu kỳ cải cách nửa vời – đàn áp – nổi loạn đẫm máu.
Một cách rộng hơn, di sản của Peter Đại đế để lại một ảnh hưởng phức tạp và đầy nghịch lý trong lịch sử Nga hiện đại, trở thành hình mẫu kép: vừa là nhà cải cách khai sáng (enlightened monarch) mang tinh thần lý trí và tiến bộ của châu Âu, vừa là nhà chuyên chế kiểu cổ, sử dụng quyền lực tuyệt đối để áp đặt thay đổi từ trên xuống.Voltaire từng ca ngợi Peter như một nhà vua vĩ đại – người đã “kéo nước Nga ra khỏi bóng tối của sự man rợ” nhưng đồng thời chính mô hình của ông cũng đặt nền móng cho một kiểu nhà nước Nga nơi cải cách luôn đi kèm cưỡng bức, và hiện đại hóa luôn gắn với đàn áp. Solzhenitsyn, nhà văn bất đồng chính kiến Nga so sánh Peter với Lenin và Stalin, cho rằng họ đều xây dựng nhà nước trên bạo lực và phản tự nhiên với truyền thống Nga.
Cách Peter siết chặt nông nô, kiểm soát tầng lớp quý tộc bằng bộ máy hành chính trung ương, và đặt lợi ích của nhà nước lên trên tự do cá nhân đã tạo nên một logic quyền lực mà Stalin kế thừa trong thế kỷ XX, khi ông này tiến hành công nghiệp hóa cưỡng bức, lao động Gulag, và đàn áp hàng triệu người nhân danh hiện đại hóa. Tương tự, Vladimir Putin ngày nay thường viện dẫn hình ảnh Peter như một biểu tượng chính đáng hóa cho việc củng cố quyền lực, mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và đặt “vận mệnh lịch sử” lên trên dân chủ.
Như vậy, Peter trở thành biểu tượng cho hai linh hồn đối nghịch cùng sống trong nước Nga: khát vọng vươn lên hiện đại và thói quen sử dụng chuyên chế để đạt được điều đó, lấy mục đích biện minh cho phương tiện.
7. Lịch sử như tấm gương soi hiện tại
Có một điều khiến cuốn Peter Đại đế của Robert K. Massie không bao giờ trở nên lỗi thời: nó không chỉ là một tiểu sử lịch sử, mà là một khảo sát sâu sắc về năng lực – và giới hạn – của cải cách chính trị do một cá nhân dẫn dắt. Peter không phải là một “người của thời đại mình”, mà là người liên tục cưỡng lại nó. Và chính điều đó khiến ông trở thành một nhân vật đầy nghịch lý: tiên phong nhưng chuyên chế, xây dựng nhưng triệt phá, mang lại hình thái hiện đại nhưng để lại một kiểu chính trị vẫn mang đậm dấu vết phong kiến trung ương.
Peter không hành động trong chân không. Ông là phản ứng dữ dội trước một nước Nga trì trệ, một nhà nước mà các thể chế mục ruỗng không đủ sức chống đỡ những áp lực địa chính trị mới. Trong một thời đại mà châu Âu đang thay đổi nhanh chóng với sự nổi lên của khoa học, công nghiệp, và chủ nghĩa trọng thương, Peter hiểu rằng nếu không có sự can thiệp mạnh tay, nước Nga sẽ bị để lại phía sau – không chỉ về quân sự, mà cả về biểu tượng quyền lực.
Nhưng điều ông không thể hoặc không muốn chấp nhận, là quá trình thay đổi xã hội cũng cần những thay đổi về thói quen chính trị, về lòng tin giữa nhà nước và công dân, và về khả năng chấp nhận khác biệt trong chính nội bộ quốc gia. Thay vào đó, ông chọn con đường hiệu quả: tập quyền, đồng phục hóa, và tiến bộ bằng kiểm soát. Đó là con đường dẫn đến nhiều thành tựu cụ thể, nhưng cũng gieo mầm cho những mô hình kiểm soát và ách chuyên chế sẽ kéo dài ở nước Nga suốt nhiều thế kỷ sau đó, cho tới tận ngày nay.
Massie không đưa ra kết luận rõ ràng, và cuốn sách của ông càng đáng đọc vì chính điều đó. Trong một thời đại mà các thuyết cải cách quốc gia lại được đưa lên bàn thảo – từ châu Á đến Đông Âu, từ Mỹ Latinh đến Trung Đông – Peter vẫn là một mô hình sống động để suy ngẫm: ông cho thấy một quốc gia có thể thay đổi triệt để về kỹ thuật, mà không thay đổi về tinh thần dân chủ; có thể hội nhập vào hệ thống quốc tế, mà vẫn khép kín về mặt xã hội học chính trị.
Cuốn sách của Massie nhắc ta rằng lịch sử không phải để học thuộc, mà là thứ để suy ngẫm. Đọc về Peter cũng là đọc về những giới hạn cố hữu trong mô hình hiện đại hóa từ trên xuống – một mô hình mà nhiều quốc gia hậu thuộc địa, hoặc hậu phong kiến, vẫn đang thử nghiệm dưới những tên gọi khác nhau. Những câu hỏi Peter đặt ra và cố gắng trả lời – bằng hành động, bằng im lặng, bằng những mất mát không được giải thích – vẫn là những câu hỏi chưa thể ngưng đặt lại hôm nay.